Thứ sáu, 28/07/2023
5130

Học ngành Ngôn ngữ Anh ra trường làm gì, lương bao nhiêu?

Theo các giảng viên, ngành Ngôn ngữ Anh hot vì sinh viên ra trường dễ kiếm việc, ngoài phiên dịch có thể giảng dạy, đối ngoại với lương dao động 7,3-25 triệu đồng.
Cả nước hiện có 80 trường đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh. Ngoài các trường chuyên đào tạo ngoại ngữ, nhiều đại học khác như Kinh tế, Ngoại thương, Mở cũng tuyển sinh ngành này với tổ hợp xét tuyển chủ yếu là D00 (Toán, Văn, Anh).
Nhiều năm qua, ngành Ngôn ngữ Anh luôn có điểm chuẩn đầu vào thuộc nhóm cao nhất của các trường. Chẳng hạn, ở Đại học Hà Nội và Đại học Ngoại thương, ngành Ngôn ngữ Anh năm ngoái lấy lần lượt 35,55 và 35,85 trên thang điểm 40 điểm, tức trung bình gần 9 điểm mỗi môn, thí sinh mới đỗ. Tính trên thang 30, ngành Ngôn ngữ Anh cũng lấy điểm cao nhất ở Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM với 25-27 điểm.
Theo bà Hoàng Mai Hương, quyền Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngoại giao ngành này phù hợp với những thí sinh có thế mạnh về tiếng Anh và định hướng phát triển nghề nghiệp theo lĩnh vực ngôn ngữ. Ngoài khả năng tiếng Anh, sinh viên cần có đam mê, khả năng phản ứng nhanh nhạy, rèn luyện các kỹ năng thuyết trình, tranh biện, làm việc nhóm...
Chương trình học của ngành Ngôn ngữ Anh hiện không quá khác nhau ở các trường, với khối kiến thức chung, cơ sở ngành và chuyên ngành.
Ở Học viện Ngoại giao, theo bà Hương các môn học chính của ngành Ngôn ngữ Anh gồm Biên dịch, Phiên dịch, Ngữ âm - âm vị học tiếng Anh, Đất nước học Anh - Mỹ, Phương pháp giảng dạy tiếng Anh, tiếng Anh ngoại giao, Chính sách đối ngoại Việt Nam, Quan hệ kinh tế quốc tế, Truyền thông quốc tế, Kỹ năng thuyết trình, Kỹ năng đàm phán, Kỹ năng quản lý và lãnh đạo... Ngoài ra, sinh viên được trang bị các kỹ năng mềm, kỹ năng nghiệp vụ như đàm phán, thuyết trình, tư duy phản biện, quản lý lãnh đạo và nghiên cứu khoa học.
Trường Đại học Hà Nội có hai định hướng cho chương trình Ngôn ngữ Anh gồm Biên phiên dịch và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh.
Với trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, ông Phan Thanh Tiến, phó trưởng phòng Đào tạo, cho biết sinh viên sẽ được phân theo các chuyên ngành từ học kỳ 2 năm thứ 3, gồm: Phiên dịch, Biên dịch, Du lịch, Ngôn ngữ và văn hóa, tiếng Anh Sư phạm tiểu học. Việc này căn cứ theo kết quả học tập của sinh viên trong 5 học kỳ trước đó.
Tương tự, tại trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM, TS Nguyễn Huy Cường, trưởng khoa Ngôn ngữ, cho hay từ năm thứ hai, sinh viên được chọn một trong ba chuyên ngành chính: Ngôn ngữ học, Biên - phiên dịch, và Giảng dạy tiếng Anh. Sinh viên trường này sẽ có hai đợt thực tập, đợt 1 giúp các em khám phá cơ hội việc làm theo chiều rộng, đợt 2 sẽ thực tập đúng chuyên ngành sâu đã chọn.
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: IU
Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: IU
Các chuyên gia cho hay Ngôn ngữ Anh trở nên "hot" những năm qua do một số lý do. Đây là ngôn ngữ quốc tế, được sử dụng rộng rãi trong công việc và học tập. Người nước ngoài, dù đến từ quốc gia nào, khi tới Việt Nam làm việc, du lịch... cũng chủ yếu dùng tiếng Anh để giao tiếp.
Trong giáo dục, Tiếng Anh là ngoại ngữ được ưu tiên học cả ở phổ thông lẫn đại học. Đề án ngoại ngữ quốc gia hơn 10 năm nay cũng nhằm nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh, sinh viên.
"Những yếu tố đó làm cho tiếng Anh luôn được học nhiều nhất, dẫn đến ngành Ngôn ngữ Anh hấp dẫn với xã hội", ông Tiến cho hay.
TS Nguyễn Tiến Dũng, phó Hiệu trưởng Đại học Hà Nội, thêm rằng nguyên nhân chủ yếu do cơ hội việc làm và vị trí công việc người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp khá đa dạng. Theo ông, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh có thể làm ở ba nhóm công việc: Biên, phiên dịch viên/biên tập viên; giáo viên tiếng Anh/nghiên cứu viên hoặc thư ký văn phòng/trợ lý đối ngoại.
Cụ thể, họ có thể gia nhập bộ phận đối ngoại của cơ quan quản lý nhà nước; bộ phận dịch thuật của nhà xuất bản, tạp chí; công ty biên-phiên dịch, các bảo tàng, công ty du lịch, tổ chức phi chính phủ, tổ chức nước ngoài hay cơ quan nghiên cứu ngôn ngữ-văn hóa trong và ngoài nước. Ngoài ra, họ có thể giảng dạy tại các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học (nếu có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm).
"Xu hướng làm công việc tự do khá phát triển trong thời gian gần đây vì thu nhập cao và chủ động thời gian hơn", ông Tiến cho biết.
Theo thống kê, tỷ lệ sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp ở Đại học Quốc tế là 100%, Học viện Ngoại giao 96,5%, Đại học Hà Nội khoảng 95% và Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế 91,88%. Lương khởi điểm tùy thuộc vào vị trí việc làm và năng lực của từng sinh viên, trung bình khoảng 7,3 đến 25 triệu đồng.
(Nguồn: https://vnexpress.net/hoc-nganh-ngon-ngu-anh-ra-truong-lam-gi-luong-bao-nhieu-4628124.html)