Thứ ba, 09/04/2019
2439

Hãy giữ đam mê và hãy nỗ lực hết mình để chinh phục tiếng Nga

Phạm Thu Hằng và Lê Trọng Huấn – hai sinh viên xuất sắc của Khoa tiếng Nga, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, đã dành chiến thắng trong cuộc thi Olympic tiếng Nga lần thứ XVI dành cho sinh viên các trường đại học Việt Nam. Điều này đồng  nghĩa với việc hai bạn sẽ được đi học tại các trường đại học Nga trong khuôn khổ hạn ngạch học bổng của Chính phủ Liên bang Nga dành cho Việt Nam. Mặc dù vào đại học, Hằng và Huấn mới bắt đầu học tiếng Nga, nhưng chính đam mê và sự nỗ lực không ngừng đã giúp các bạn gặt hái được thành công bước đầu trên con đường chinh phục tiếng Nga.

 
Đội tuyển tham dự Olympic tiếng Nga của Khoa tiếng Nga, Trường ĐHNN, ĐH Huế

Nhằm quảng bá và phổ biến rộng rãi tiếng Nga và văn hóa Nga tại Việt Nam, hàng năm, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga (TTKH&VH Nga) tại Hà Nội phát động phòng trào Olympic tiếng Nga dành cho sinh viên các trường đại học Việt Nam, thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên, học viên năm đầu tiên học tiếng Nga tại các các học viện, trường đại học chuyên và không chuyên ngữ, các khoa dự  bị đại học của Việt Nam. Ban Giám khảo Olympic gồm các chuyên gia của TTKH&VH Nga, giáo viên Trường Phổ thông trực thuộc Đại Sứ quán Nga, các Trường Đại học Nga và một số nhà Nga ngữ hàng đầu của Việt Nam.

Đầu năm 2019, ngay khi cuộc thi được phát động, Khoa tiếng Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế đã tổ chức ôn luyện, tuyển chọn những sinh viên xuất sắc nhất để thành lập đội tuyển tham gia thi vòng hai và ba tại Hà Nội. Vượt qua phần thi Đọc và Nghe, các bạn sinh viên của khoa bước vào vòng chung kết – thi môn Nói, tức vấn đáp với ban giám khảo là các chuyên gia Nga, những “cây đa, cây đề tiếng Nga” của Việt Nam. Hai bạn Phạm Thu Hằng và Lê Trọng Huấn đã mang vinh dự về cho khoa khi dành giải Nhất trong kỳ thi này.
Về quá trình ôn luyện trong đội tuyển, Huấn chia sẻ: “Năm nay, hình thức thi thay đổi nhưng các thầy cô trong khoa cũng đã hướng dẫn chúng em làm những dạng bài thi mới, đồng thời, nâng cao kiến thức ngữ pháp, chuẩn bị các kiến thức văn học, đất nước học  và ôn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho chúng em. Nhờ có sự giúp đỡ và chỉ bảo tận tình của các thầy cô mà chúng em thấy tự tin hơn khi tham gia Olympic – cuộc thi lớn đầu tiên về tiếng Nga”. Còn Hằng, kỳ thi này là một trải nghiệm khó quên với bạn: “Em đi thi với tâm lý hoàn toàn thoải mái, vì em rất háo hức khi được thử thách bản thân mình ở sân chơi lớn như Olympic tiếng Nga. Ở đó, em còn làm quen được với nhiều bạn cũng học tiếng Nga tại các trường đại học trên toàn quốc. Điều làm em vui nhất là em được giao tiếp bằng tiếng Nga, được thể hiện tình yêu của mình với tiếng Nga, với đất nước và con người Nga”.
Khi biết mình được giải, cả hai bạn đã rất hạnh phúc, đó như một giấc mơ: Hằng đã nhảy cẫng lên, lập tức khoe với ba mẹ, còn Huấn thì vô cùng bất ngờ.

Học tiếng Nga là một cái duyên đối với các bạn. Nhớ lại ngày đăng ký nguyện vọng vào Khoa tiếng Nga của Trường Đại học Ngoại ngữ Huế, Hằng nói: “Lúc đầu, em không định học đại học, mà chỉ định tốt nghiệp cấp III, nhưng sau khi nghe người quen giới thiệu về Khoa tiếng Nga của Trường Đại học Ngoại ngữ Huế, em cảm thấy thích thú và đăng ký ngay nguyện vọng 1 vào khoa, mặc dù em không hề biết một chút gì về tiếng Nga. Đỗ vào Khoa đã là một may mắn lớn đối với em. Những buổi học tiếng Nga đầu tiên tại Trường đã lôi cuốn em. Tiếng Nga là môn học đầu tiên mà em thấy đam mê. Em tự hào khi em học tiếng Nga. Em đặt ra các mục tiêu cho mình, từ mục tiêu nhỏ đến mục tiêu lớn trong việc học. Càng học em càng thích và muốn chinh phục tiếng Nga, tìm hiểu về văn hóa Nga, con người Nga. Tình yêu với tiếng Nga, với nước Nga của em cứ lớn dần lên như vậy đó. Để đạt được thành công bước đầu ngày hôm nay, em vô cùng biết ơn sự dìu dắt, dạy dỗ và chỉ bảo tận tình của các thầy cô giáo trong Khoa Tiếng Nga, những người đã giúp em bước những bước đi đầu tiên trên con đường đến với tiếng Nga”.
 

Huấn – người con của đất Nghệ An, cũng có câu chuyện của riêng mình: “Khi biết mình đỗ vào Khoa tiếng Nga, em rất vui. Mặc dù không có người thân hay bạn bè ở Huế, nhưng em vẫn quyết định một mình vào Huế học. Qua tháng đầu tiên mà em chưa học thuộc bảng chữ cái tiếng Nga, cũng không trò chuyện với các bạn trong lớp, em cảm thấy rất tệ. Em đã đặt ra mục tiêu cho mình và cố gắng hết mình cho đến khi đạt được mục tiêu. Dần dần, tình hình học tập của em cũng được cải thiện. Đồng thời, em đã mở lòng hơn, em có nhiều bạn bè hơn.Người ta hay nói tiếng Nga rất khó, nhưng cái phức tạp của tiếng Nga lại thôi thúc em nắm vững nó. Em thích học Ngữ pháp nhất. Hệ thống ngữ pháp trong tiếng Nga vô cùng chặt chẽ và khoa học, vì vậy mà em muốn hiểu và sử dụng đúng chúng. Giải Nhất trong cuộc thi Olympic tiếng Nga là nguồn động viên tiếp sức mạnh cho em trên con đường chinh phục tiếng Nga”.

Mỗi bạn có một cách chinh phục tiếng Nga riêng, nhưng đam mê và sự nỗ lực không ngừng để đạt được mục tiêu đã đề ra đóng vai trò quan trọng trong thành quả của các bạn ngày hôm nay.Không tự mãn với giải Nhất trong kỳ thi Olympic, các bạn vẫn đang cố gắng hàng ngày, trau dồi tiếng Nga, vì các bạn hiểu rằng, tiếng Nga chính là chìa khóa để lĩnh hội kiến thức dù học ngành nào hay trường đại học nào ở Nga, học tiếng Nga chính là hiểu biết về nước Nga, về vẻ đẹp của thiên nhiên tạo hóa, của con người nơi đây. “Hãy học tiếng Nga, hãy tìm hiểu những điều đặc biệt của ngôn ngữ này và hãy cảm nhận nét độc đáo của văn hóa Nga” – lời nhắn nhủ của Hằng và Huấn với các bạn đang học, muốn theo học tiếng Nga.

Hoàng Hôn
GV Khoa Tiếng Nga