Thứ hai, 27/08/2018
1296

VÀI NÉT VỀ ​​​​​​​LỊCH SỬ TRƯỜNG

I. Lịch sử hình thành và phát triển ngành Ngoại ngữ giai đoạn từ 1957 đến khi thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ trực thuộc Đại học Huế 2004.
1. Giai đoạn Viện Đại học Huế (1957 – 1976).
Ngày 1/3/1957 Viện Đại học Huế được thành lập. Sự ra đời của Viện Đại học Huế là một mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển tất yếu của truyền thống hiếu học, truyền thống giáo dục đào tạo, truyền thống lich sử và văn hóa của vùng đất Cố đô lịch sử - một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của miền Trung và cả nước. Khi mới ra đời, Viện Đại học Huế có 5 Ban: Sư phạm, Khoa học, Văn khoa, Luật khoa và Mỹ thuật. Hai năm sau (1959), có thêm Ban Y khoa. Tại thời điểm này chỉ có 2 Ban Sư Phạm và Văn Khoa có chức năng đào tạo sinh viên chuyên ngữ Anh văn và Pháp văn. Đội ngũ giảng viên tiếng Anh, tiếng Pháp lúc bấy giờ được tuyển chọn từ những sinh viên tốt nghiệp đạt thủ khoa hoặc tuyển chọn dần từ đội ngũ giáo viên phổ thông, trong đó tiếng Anh gồm có 5 người, Pháp văn 5 người. Số giảng viên cơ hữu lúc bấy giờ rất ít, do đó ngoài giảng viên cơ hữu, có các giảng viên nước ngoài, giảng viên Viện Đại học Sài Gòn được mời tham gia giảng dạy.
2. Giai đoạn sau giải phóng (1979 – 1994)
Sau khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, Viện Đại học Huế có sự thay đổi về mô hình tổ chức và quản lý: Trường Đại học Tổng hợp Huế, Trường Đại học Sư phạm Huế, Trường Đại học Y khoa Huế ra đời trên cơ sở chia tách từ Viện.
Từ năm học 1977 – 1978, tại Trường Đại học Sư phạm Huế, Ban Anh văn và Ban Pháp văn sáp nhập lại và thành Khoa Ngoại ngữ. Năm học 1979 – 1980, thành lập thêm Phân khoa Nga văn trực thuộc Khoa Ngoại ngữ. Trong năm học 1989 - 1990, trên cơ sở Khoa Ngoại ngữ, ba khoa mới là Khoa Nga, Khoa Anh, Khoa Pháp được thành lập và đến năm 1991, thành lập thêm Ban Trung văn.
Tháng 10-1978 Trường Đại học Tổng hợp Huế nay là Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế thành lập Khoa Ngoại ngữ gồm hai ngành đào tạo là Bộ môn tiếng Anh và Bộ môn Tiếng Nga.
Song song với việc đào tạo giáo viên và cử nhân ngoại ngữ tại 2 Trường Đại học Tổng hợp Huế và Đại học Sư phạm Huế, tại các trường đại học khác ở Huế giai đoạn sau ngày giải phóng còn có các Bộ môn Ngoại ngữ trực thuộc (tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Y khoa, Đại học Nghệ thuật) làm nhiệm vụ giảng dạy ngoại ngữ không chuyên ( tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp) với đội ngũ giảng viên tương đối đông.
3. Giai đoạn Đại học Huế ra đời ( 1994 – 2004)
Đại học Huế được thành lập ngày 4/4/1994, theo Nghị định số 30/CP của Thủ tướng Chính Phủ bao gồm các trường thành viên: Trường Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học, Đại học Y khoa, Đại học Nông Lâm, Đại học Nghệ thuật. Thời kỳ này việc đào tạo ngoại ngữ ( giáo viên và cử nhân ngoại ngữ, ngoại ngữ không chuyên) vẫn được tiếp tục đào tạo tại các trường thành viên như giai đoạn trước nhưng quy mô được mở rộng hơn. Đội ngũ giảng viên ngoại ngữ tại các khoa ngoại ngữ không ngừng được bổ sung về số lượng và nâng cao chất lượng. Số lượng giảng viên đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ mỗi ngày một tăng nhanh.
II. Quá trình xây dựng và phát triển Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế (2004 – 2014)
Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế được thành lập ngày 13 tháng 07 năm 2004 theo Quyết định số 126/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sáp nhập các khoa, bộ môn ngoại ngữ từ các trường thành viên thuộc Đại học Huế. Khi mới thành lập trụ sở của Trường được tạm thời đặt tại 27 Phan Đình Phùng, thành phố Huế. Đầu tháng 8/2007, Trường chuyển về khu quy hoạch - Làng Đại học Huế, 57 Nguyễn Khoa Chiêm, phường An Cựu, thành phố Huế.  
Sau 10 năm xây dựng và phát triển, hiện nay Trường có 09 khoa đào tạo, 07 phòng chức năng và 05 trung tâm nghiên cứu và phục vụ. Tổng số viên chức, lao động là 299 người; trong đó có 3 phó giáo sư, 24 Tiến sĩ, 149 Thạc sĩ và hàng chục viên chức đang làm nghiên cứu sinh, học cao học trong và ngoài nước.
Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, Trường đã đào tạo được 11.223 cử nhân, 286 học sinh phổ thông chuyên ngữ, 644 Thạc sĩ và 07 người đang làm nghiên cứu sinh tại Trường . Bồi dưỡng và cấp các loại chứng chỉ từ A1 đến C2 cho hơn 7000 cán bộ và giáo viên các cấp theo mục tiêu của Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020.
Tập thể viên chức và sinh viên của Trường đã thực hiện 132 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó: 100 đề tài cấp Trường, 11 đề tài cấp Đại học Huế, 26 đề tài cấp Bộ, 01đề tài cấp Bộ trọng điểm.
Khuôn viên của Trường có 3.7 ha. Trong đó khu nhà Hiệu bộ 3 tầng và 3 giảng đường có hệ thống thang máy với 75 phòng học, các phòng học được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại đa chức năng. Thư viện của Trường có hơn 16 ngàn đầu sách và nhiều tài liệu tham khảo ở dạng điện tử. Dự án ngoại ngữ Quốc gia 2020 trang bị hơn 2500 đầu sách có giá trị từ các nhà xuất bản hàng đầu trên thế giới.